Page Nav

HIDE

Bài mới

latest

Không phải người xấu hay kẻ gian, đây mới là thứ đáng sợ nhất

Quá nửa đời người tôi mới thấu, người đáng sợ nhất trên thế gian này không phải là tiểu nhân, cũng không phải người xấu mà là những kẻ “vô m...

Quá nửa đời người tôi mới thấu, người đáng sợ nhất trên thế gian này không phải là tiểu nhân, cũng không phải người xấu mà là những kẻ “vô minh”.

Câu chuyện số 1

Tôi có cô bạn, mới kết hôn được vài tháng đã ly hôn. Nguyên nhân là do cô ấy không muốn sống cuộc sống phải “phụ thuộc” vào người khác. Cô ấy nói, sau khi kết hôn, chồng cô ấy đi làm, cũng coi là cấp chủ quản thu nhập cao. Cô ấy ở nhà rảnh rỗi, nhàm chán, thi thoảng dạo phố, quẹt thẻ mua sắm, mỗi lần cũng chỉ khoảng vài ba triệu.

Những lần xem hóa đơn quẹt thẻ, chồng cô ấy đều nói phải hạn chế chi tiêu. Cô ấy tức tối, ném thẻ vào mặt chồng rồi nói muốn tự mình đi làm kiếm tiền, tự làm thẻ, tự mua sắm, tự sống cuộc sống của mình mà không cần phải phụ thuộc vào sắc mặt của người khác.

Tôi hỏi chồng cô ấy một tháng lương được bao nhiêu tiền? Cô ấy dửng dưng đáp “không nhiều, khoảng 30-35 triệu gì đó”. Nghe cô ấy trả lời xong, tôi bắt đầu cảm thấy tiếc cho cuộc đời của cô ấy.

Bởi, từ góc độ khách quan mà nói, chồng cô ấy không phải là kẻ kiệt xỉn, hà tiện, thậm chí còn là một người bao dung. Nhưng ngược lại, cô ấy thì quá nông nổi nên mới trở thành nguyên nhân chính khiến hai người sớm kết thúc duyên phận.

Nhất là, một người đàn ông khi làm đến cấp quản lý, mặc dù kiếm được nhiều tiền, nhưng áp lực công việc chắc chắn cũng không nhỏ. Tin rằng, anh ấy cũng chỉ vì lo cho vợ nên mới không cho cô ấy biết về sự vất vả, áp lực của mình trong công việc.

Trái lại, vợ anh ấy lại không biết trân trọng, lại còn nghĩ anh ấy hà tiện, lương của anh ấy quá thấp. Nói thật, trong cuộc sống này vẫn có rất nhiều những người “vô minh” giống như cô bạn đó của tôi.


Câu chuyện số 2

Hàng xóm của tôi là một người thật thà, nhưng kể từ khi bị công ty cho nghỉ, thất nghiệp, ý chí tinh thần sa sút nghiêm trọng, anh chỉ loanh quanh ở nhà. Chi tiêu mỗi tháng của gia đình, bao gồm cả tiền lãi ngân hàng và tiền học cho con đều đè lên vai người vợ đang làm kế toán ở một nhà hàng nhỏ.

Mặc dù mọi người xung quanh đều rất nhiệt tình giúp đỡ anh hàng xóm tìm việc, nhưng làm chả được mấy hôm lại thấy anh ấy nghỉ việc ở nhà. Sau đó, anh ấy bắt đầu học người ta cờ bạc. Mới đầu cũng kiếm được ít tiền, nhưng sau đó lại liên tiếp thua. Thua hết cả chi phí sinh hoạt và tiền học phí của con.

Vì thế, mà tối nào chúng tôi thường nghe thấy tiếng vợ chồng anh ấy cãi nhau. Thậm chí sau này, vợ chồng anh ấy còn lôi nhau ra ngoài để cãi cự. Anh ấy còn nhờ cả bác tổ trưởng dân phố và hàng xóm xung quanh phân bua.

Ý của anh ấy là, anh ấy vì cái nhà này nên mới muốn kiếm được bộn tiền, chứ không phải anh ấy ham mê cờ bạc. Hơn nữa anh ấy đã nắm được bí quyết thắng tiền, chỉ cần cho anh ấy thêm chút vốn liếng nữa là anh ấy có thể thắng rất nhiều tiền và mang về nhà để nuôi vợ con.

Vậy mà, vợ anh ấy lại la khóc nói rằng “tiền trong nhà sớm đã tiêu hết sạch sẽ rồi, còn lại chút tiền vay của bên ngoại, mang đi nốt thì con cái lấy gì mà ăn?”

Mọi người xung quanh nghe vậy, đều nói anh ấy sai, cờ bạc là không đúng. Anh ấy tức giận đùng đùng bỏ nhà ra đi.

Sau ngày, nghe nói anh ấy nợ chủ cờ bạc rất nhiều tiền, nên từ đó không còn thấy anh ấy bén mảng về nhà nữa.

Vô tri, thiếu hiểu biết, ai cũng có, nhưng chỉ cần bạn dám thừa nhận sự vô tri, sự thiếu hiểu biết của mình thì sẽ không làm hại tới ai cả. Thế nhưng, vô minh là thứ vô cùng đáng sợ.

“Kẻ biết người là người khôn, kẻ tự biết mình là người sáng suốt”. Vô minh là chỉ bạn không ý thức được sự vô tri, thiếu hiểu biết của mình, thậm chí tin mình là đúng, không nghe người khác khuyên bảo, tự ý hành động theo vọng tưởng của bản thân, hại mình, hại người.

Bởi vậy, người vô minh là kẻ đáng sợ nhất, đặc biệt là khi người đó lại là người thân hoặc là người có cùng quan hệ lợi ích với bạn.


Câu chuyện số 3

Nghe nói, ở dưới quê tôi có một vị đại địa chủ, sinh được 3 cô con gái. Tình cảm ba chị em rất tốt, dù là ở nhà, ở trường, học bài hay đi ngủ, cả ba đều ở cạnh nhau, không bao giờ xa nhau, rất được tiếng ở quê.

Sau này ba chị em lập gia đình, cô chị cả và cô chị hai là sống cùng nhau, tình cảm vẫn tốt đẹp như trước. Chỉ có em út lấy chồng xa, chồng cô út là một thương nhân.

Mấy năm sau, chồng cô út làm ăn không thuận, nợ nần chồng chất. Một hôm, cô em út về nhà, đề nghị cha mẹ phân chia gia sản trước. Cha mẹ nghe thấy vậy suýt ngất. Chị cả và chị hai cũng mắng cô út không hiếu thuận. Nhưng cô út la khóc nói rằng đó vốn là gia sản sẽ thuộc về cô, giờ cô thiếu tiền, lấy trước thì có gì là không đúng?

Cha mẹ đành phải thuận theo ý cô út, mang ruộng đất và tài sản trong nhà chia thành 3 phần. Nhưng cô út lại la khóc đòi chia thành 4 phần, cô ấy lấy 2 phần vì chị cả và chị hai không có nợ, chồng kiếm được tiền và có của để dành. Còn chồng của cô ấy thì nợ nần chồng chất, lẽ nào cả nhà thấy chết mà không cứu?

Chị cả và chị hai nghe thấy vậy rất buồn, họ vốn không hề để ý tới những phần gia sản đó, mà chỉ buồn vì không biết cô em của mình trở nên hiện thực và ích kỷ như vậy từ lúc nào.

Thế nhưng, cô út cậy thế cha mẹ nuông chiều mình, ngoài la khóc còn tuyệt thực, nên cuối cùng mọi người đành phải thuận theo ý cô.

Cô út sau khi lấy được hai phần gia sản, chị cả và chị hai ngày càng không thân thiết với cô út, dần dần họ như những người xa lạ. Có thể nói, cô út vì gia sản mà tự đoạn đứt duyên phận với người thân trong gia đình.

Duyên phận giữa người và người là sâu hay nông, là dài hay ngắn, là thiện duyên hay là ác duyên tất cả đều do “vô minh” quyết định.

Câu chuyện số 4

Tôi có anh bạn học cấp ba tên Tùng, chuyên kinh doanh thực phẩm chức năng.

Một hôm, Tùng đến tìm tôi để vay tiền, cần gấp vì phải xoay vòng vốn. Tôi vì muốn giảm bớt gánh nặng tâm lý trong lòng Tùng, nên nói sẽ mua thực phẩm chức năng của Tùng, để cho cậu ấy có thu nhập.

Thế nhưng, cậu ấy lại nghĩ rằng tôi có nhiều tiền, cứ cách vài ngày lại mang đến cho tôi một đống sản phẩm mới, giới thiệu thành phần, công dụng này nọ. Tôi thầm nghĩ chắc cậu ấy lại thiếu tiền, nên bỏ tiền túi mua cho cậu ấy cả đống.

Đồng thời, tôi cũng ngầm ám chỉ với cậu ấy rằng thu nhập của tôi không cao và thực phẩm chức năng đã chất đống trong nhà tôi rồi, uống vài năm cũng không thể hết được. Cậu ấy cười tỏ vẻ đã hiểu ý của tôi. Tôi tự nhủ chắc cậu ấy đã tự hiểu, lần sau sẽ không đến nữa.

Không ngờ, cách vài tuần sau, cậu ấy lại ôm đến một đống hàng mới nhập khẩu từ người ngoài về, ép tôi phải mua bằng được. Hơn nữa để tỏ ý cảm ơn tôi đã ủng hộ, cậu ấy ngoài giảm giá còn cho tôi nợ tiền, khi nào bí quá sẽ đến thu sau.

Nghe xong, tôi cảm thấy tiếc cho cậu ấy. Tôi chắc chắn rằng, duyên phận giữa tôi và cậu ấy đến đây là hết. Tôi nói thẳng luôn với cậu ấy rằng, tôi thực sự chỉ muốn giúp đỡ cậu ấy một cách chân thành nhất, cậu ấy không nên coi tôi là kẻ khờ, là mỏ tiền, mà làm phiền, đào mỏ tôi hết lần này đến lần khác.

Cậu ấy nghe xong, tức đỏ mặt, làu bàu vài câu rồi bỏ về. Kể từ đó trở đi, tôi và cậu ấy không còn liên lạc với nhau nữa.

Thứ quyết định mối quan hệ giữa người với người hoặc là bằng hữu hoặc là kẻ thù không phải là duyên phận mà là sự “vô minh”.

Nếu trong mối quan hệ xã giao của bạn cũng có những cảm nhận và hoàn cảnh giống như tôi, tôi khuyên bạn đầu tiên phải tỉnh giác, bởi “vô minh” thực sự rất đáng sợ.

Nếu không muốn mình trở thành “kẻ vô minh”, ngay từ bây giờ hãy chăm học, chăm đọc và chăm trải nghiệm, đó là những cách hiệu quả để nâng cao trí tuệ.

Ngoài ra, cũng phải thường xuyên cảnh giác, quan sát suy nghĩ, hành vi và lời nói của bản thân để kịp thời điều chỉnh và cải thiện. Tránh suy nghĩ bảo thủ, phiến diện mới không biến mình thành kẻ vô minh đáng sợ.

Ngọc Thuỷ

Nguồn bài viết

Không có nhận xét nào